Ngày 18/3, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP quy định về hoạt động in. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo; Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành Nguyễn Nguyên; Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng; Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In Hà Nội, Chủ tịch Công ty In Tiến Bộ Nguyễn Đức Thanh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội In Hà Nội Bùi Doãn Nề cùng với lãnh đạo Sở TT-TT, lãnh đạo các doanh nghiệp in trong cả nước. Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT-TT Nguyễn Nguyên cho hay, qua hơn 6 năm thực hiện Nghị định 60 và 3 năm thực hiện Nghị định 25 cùng các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngành in phát triển, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, một số quy định tại Nghị định 60, Nghị định 25 và các văn bản hướng dẫn còn còn bất cập, thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; chưa bao quát, điều chỉnh được hết các loại hình hoạt động in, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, các quy định tại Nghị định chưa bao quát hết các loại hình hoạt động in hiện nay; nạn in lậu, in giả, in trái phép diễn ra khá phổ biến. Nhiều hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép, bất hợp pháp diễn ra thường xuyên chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng hoạt động in không được cấp giấy phép vẫn hoạt động in, xuất bản phẩm. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động in phát triển chưa được quan tâm và ban hành kịp thời…
Phân tích tình hình phát triển ngành in, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Luật Xuất bản 2012, Nghị định 60 và Nghị định 25 đã có cơ chế cởi mở hơn về hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư, phát triển ngành in. Hiện nay cả nước có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động in, trong đó chỉ có 2.072 cơ sở in cấp giấy phép hoạt động và được phân bố theo vùng, cụ thể: Thành phố Hà Nội có 270 cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh có 572 cơ sở, Tây Bắc Bộ có 46 cơ sở, Đông Bắc Bộ có 127 cơ sở, Đồng Bằng Sông Hồng (không bao gồm Hà Nội) có 205 cơ sở, Bắc Trung Bộ có 105 cơ sở, Nam Trung Bộ có 118 cơ sở, Tây Nguyên có 88 cơ sở, Đông Nam Bộ (không bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh) có 262 cơ sở (trong đó Bình Dương là 184 cơ sở), Đồng Bằng Sông Cửu Long có 280 cơ sở. Trong đó có 135 cơ sở in Trung ương; 1.938 cơ sở in ở địa phương. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 62.000 lao động tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 vạn lao động phụ trợ.
Thời gian qua, ngành in mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn duy trì nhịp độ phát triển, có bước tăng trưởng cả về quy mô và số lượng. Số lượng cơ sở in tăng đều hàng năm từ 5%-7%, năm 2020 hiện có trên 2.000 cơ sở (tăng 6,7% so với năm 2019). Năm 2020, doanh thu toàn ngành vẫn duy trì ở con số trên 94.000 tỉ đồng; công nghệ, thiết bị in được một số cơ sở in đầu tư hiện đại hơn, có giá trị từ vài chục tỉ đến hơn một trăm tỉ đồng/máy, sánh ngang với các nước trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới…
Phát biểu tham luận tại hội nghị ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In Hà Nội cho rằng: Trong năm 2020 và 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp in; sản lượng, công việc, doanh thu của doanh nghiệp giảm, đời sống thu nhập của người lao động cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành in đang diễn ra tình trạng rất thiếu nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo bài bản và lao động phổ thông dẫn đến sự cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp cùng ngành để sớm khắc phục tình trạng thiếu lao động đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in. Mặt khác các doanh nghiệp in trên địa bàn cần chủ động phối hợp với nhau để tuyển sinh tự đào tạo lao động (mời cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo trong nước về tại doanh nghiệp giảng dậy trực tiếp cho học sinh; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay, chỉ việc cho học sinh ngay tại thiết bị của doanh nghiệp mình) thì sẽ sớm khắc phục được tình trạng thiếu lao động sản xuất. Ngành in Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã và đang đối mặt với những khó khăn, thử thách trước xu thế cạnh tranh ngày một lớn hơn, công nghệ in truyền thống đang bị tác động, thay đổi trước sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin… Hội In Hà Nội kiến nghị Bộ TT-TT xem xét sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành in trong giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xem xét đề xuất Chính phủ chính thức đưa ngành in trở thành ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong giai đoạn tới để được hưởng những chính sách ưu đãi như những ngành công nghiệp khác”, đề nghị các địa phương nên quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng khu công nghiệp cho ngành in theo quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các đơn vị, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn vẫn nỗ lực sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển ngành in. Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Nghi định 60 và Nghị định 25 là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, thì cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
Dịp này, Bộ TT-TT đã tặng Cờ thi đua cho 1 tập thể, tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
|